Mở cửa 8:00-17:30: Thứ 2 - Thứ 6 Mở cửa 08:00-12:00: Thứ 7

THOÁT KHỎI UNG THƯ – NHỮNG KIẾN THỨC CẦN BIẾT (Phần 1)

  1. Ung thư là gì?

Ung thư là tên gọi chung của một tập hợp các bệnh có liên quan. Trong bất kỳ bệnh ung thư nào cũng đều có sự xuất hiện của các tế bào bất thường, vốn là những tế bào bình thường của cơ thể, nhưng nay phân chia, nhân lên mất kiểm soát, xâm lấn các mô xung quanh và có thể di căn đi xa.

Ung thư có thể xuất hiện ở gần như bất kỳ đâu trong một ngàn tỷ tế bào của cơ thể. Bình thường, các tế bào lớn lên và phân chia để hình thành tế bào mới, là cách thức mà cơ thể người sinh trưởng và phát triển. Tất yếu, các tế bào cũ sẽ dần già đi hoặc bị tổn hại, chết đi, và được thay thế bởi các tế bào mới.

Khi ung thư xuất hiện, quá trình tự nhiên bị phá vỡ. Các tế bào ngày càng trở nên bất thường, các tế bào già cũ không chết đi mà tiếp tục phát triển, liên tục sản sinh các tế bào mới. Chúng cứ thế nhân lên không kiểm soát, và cuối cùng tạo thành khối bất thường mà chúng ta gọi là khối u.

Các khối u trong ung thư có tính chất ác tính, có nghĩa là chúng có khả năng xâm lấn ra xung quanh. Trong quá trình phát triển lớn lên, các tế bào ung thư có thể đi xa tới các vùng khác của cơ thể thông qua hệ tuần hoàn hoặc hệ bạch huyết, hình thành khối u mới tách biệt hoàn toàn với khối u ban đầu, gọi là di căn.

Không giống các khối u ác tính, u lành tính không có tính xâm lấn, dù đôi khi u lành tính cũng có kích thước rất lớn. Khi loại bỏ u bằng phẫu thuật, u lành tính thường không tái phát (trong khi u ác tính rất hay tái phát).

Tế bào ung thư khác biệt hẳn so với tế bào bình thường ở nhiều phương diện, điều đó cho phép chúng có khả năng nhân lên vô hạn và xâm lấn ra xung quanh. Một điểm khác biệt rất quan trọng giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường, là tế bào ung thư kém biệt hóa hơn. Trong khi các tế bào bình thường sinh ra, lớn lên, trưởng thành và biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau đảm nhiệm các chức năng khác nhau, tế bào ung thư lại kém hoặc không biệt hóa. Và đó là lí do giải thích tại sao tế bào ung thư lại có thể phân chia, nhân lên vô độ - điều mà tế bào bình thường không có.

Thêm nữa, tế bào ung thư không bị ảnh hưởng bởi “hiệu lệnh” dừng phân chia của cơ thể, và chúng cũng thoát khỏi một quá trình gọi là “chết theo chương trình” (apoptosis) - vốn là cách cơ thể đào thải những tế bào không cần thiết.

Các tế bào ung thư có thể tác động vào vi môi trường xung quanh nó, bao gồm các tế bào bình thường, các phân tử và các mạch máu nuôi dưỡng xung quanh khối u. Nghĩa là, các tế bào ung thư có khả năng kích thích các tế bào bình thường hình thành các mạch máu nhằm cung cấp ô xy, chất dinh dưỡng và đào thải chất cặn bã để nuôi dưỡng, phát triển khối u.

Các tế bào ung thư cũng có khả năng qua mặt hệ miễn dịch của cơ thể. Bình thường hệ miễn dịch của cơ thể con người có nhiệm vụ chống lại sự viêm nhiễm, cũng như đào thải những tế bào bất thường hoặc những tế bào đã bị hư hại. Tuy nhiên tế bào ung thư lại có khả năng “ẩn mình” trước hệ miễn dịch của cơ thể, qua đó không bị tiêu diệt.

Không những qua mặt hệ miễn dịch, khối u còn có thể sử dụng hệ miễn dịch để tồn tại và phát triển. Ví dụ khối u có thể lợi dụng một số tế bào miễn dịch phát tín hiệu giả, nhờ đó mà hệ miễn dịch sẽ không tiến hành loại bỏ những tế bào ung thư.

: THOÁT KHỎI UNG THƯ – NHỮNG KIẾN THỨC CẦN BIẾT (Phần 1)

Đăng ký nhận tin

Nhận thông tin sản phẩm mới nhất, tin khuyến mãi và nhiều hơn nữa.